Tôi
thi rớt vào Trường Kỷ sư Công Nghệ, thật ra thì tôi bỏ thi đúng hơn. Lý
do: Sau một ngày thi viết đã qua, ngày thứ hai thi thực hành vẽ kỹ
nghệ họa vào buổi chiều và ngày hôm sau nữa thi Công tác xưởng. Vì buổi
sáng không thi nên tôi đi chơi, về nhà ăn cơm, ngủ một giấc, sau khi
thức dậy đẩy xe Vélo Solex ra đi thi, xe bổng chướng không nổ máy, chạy
đi tìm chỗ sửa, người thợ hì hục sửa bộ phận điện, bơm xăng … cuối
cùng xe vẫn không chịu nổ máy, nhìn lại đồng hồ đeo tay, còn 15 phút
phải đạp từ chợ Hòa Hưng lên Ngã tư Bảy Hiền, rồi chạy đến Trung tâm
Quốc Gia Kỹ thuật Phú Thọ ít ra cũng mất đến nửa giờ, thế là quá trễ giờ
thi, cho nên tôi bỏ thi.
Tuần
sau thi vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Trường lấy vào 10 người, tôi
đứng hạng thứ 12, tôi sinh học dự thính, Trường chấp thuận, cuối cùng
chỉ có 6 người theo học, tôi được lấy vào chánh thức. Học Sư Phạm cầm
bằng mình sẽ ra Trường, nên tôi vừa học vừa chơi, có lần tôi bỏ học cả
tuần để đi Huế, đi Quảng Trị chơi năm 1965. Nên khi ra Trường tôi đứng
hạng thứ ba, hai anh ưu tiên hơn tôi một anh chọn về Trường Kỹ Thuật
Long Xuyên vì bạn gái của anh đang làm y tá ở Bệnh viện Long Xuyên, anh
thứ hai chọn Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, tôi chọn Trường Kỹ Thuật Ban Mê
Thuột, anh kế tôi phải chọn xa hơn nữa là Trường Kỹ Thuật Đà Nẳng. Còn
lại 2 người không có nhu cầu nên Trường giữ lại, học thêm 2 năm nữa ra
Giáo sư Chuyên nghiệp Đệ nhị cấp.
Vào
năm 1957 hay 58, thời ông kỷ sư cầu cống Trần Văn Bạch làm Giám Đốc Nha
Kỹ Thuật Và Mỹ Thuật Học Vụ, tôi học lớp Đệ lục hay Đệ ngũ trường Kỹ
Thuật Cao Thắng, được nhà trường điều động lên Trung Tâm Quốc Gia Kỹ
Thuật Phú Thọ để làm hàng rào danh dự, chào đón ông Bộ Trưởng Bộ Giáo
Dục đến chủ tọa lễ đặt viên đá đầu tiên, xây cất Trường Bách Khoa Trung
Cấp Phú Thọ.
Hình
như cũng trong thời gian đó, trường Quốc Gia Thương Mại được thành lập
do ông Phan Hữu Tạt làm Hiệu Trưởng và Trường Nữ Công Gia Chánh do bà
Nữ phu nhân của Giám Thị Cao Thắng Nguyễn Văn Tập làm Hiệu Trưởng, cả
hai trường dùng các lớp học trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật
Học Vụ để giảng dạy. Nơi khuôn viên này tuy nhỏ, nhưng nhiều Trường đã được thành lập tại đây như Trường Quốc Gia Âm Nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Phụng làm Giám Đốc, Trường Kỷ sư Công nghệ, Trường Kỹ Thuật Phan Đình Phùng (Chi nhánh Trung học Cao Thắng), Trung Tâm chuyên nghiệp Phan Đình Phùng (1975, sáp nhập vào Nguyễn Trường Tộ), và Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ tạm trú rồi vĩnh viễn sau năm 1972 cho đến nay. Tuy chỉ có 6 lớp học, có lúc cả 3 Trường cùng hoạt động: ban ngày Trường Kỷ sư Công nghệ và Trường KT Phan Đình Phùng, ban đêm Trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Đến
năm 1960, Trường Bách Khoa Trung Cấp xây cất xong, thu nhận khóa đầu
tiên theo học, gồm học sinh các Trường Cao Thắng và Thực Nghiệp thi
tuyển vào, các trường Thương Mại và Nữ Công Gia Chánh cũng được dời về
Trường Bách Khoa Trung Cấp, mỗi Trường này chiếm một dãi lớp gồm hai
tầng lầu.
Năm
1962, dưới thời Kỷ sư Nguyễn Được làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, Ban
Cao Đẳng Sư Phạm được thành lập, Ban này do ông Trần Lưu Cung kỷ sư
viễn thông, Phụ tá Giám Đốc Nha làm Giám Đốc Ban này, kiêm Giám Đốc
Trường Bách Khoa Trung Cấp, Ban Cao Đẳng dùng chung cơ sở của Trường
Bách Khoa Trung Cấp để đào tạo Giáo sư Chuyên Nghiệp Đệ Nhất và Đệ Nhị
Cấp, gồm các Ban: Khoa Học Áp Dụng, Kỹ Nghệ Họa, Máy Dụng Cụ, Điện
Lạnh, Điện tử, Kỹ Nghệ Sắt, Kỹ Nghệ Gỗ, đến năm 1964 mới mở thêm Ban Nữ
Công Gia Chánh và Thương Mại.
Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật là hệ Cao Đẳng như Cao Đẳng Công Chánh, Cao Đẳng Điện, Cao Đẳng Hóa Học, chuyên đào tạo Trung cấp và Đại Học, nhưng Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật không chính thức là một Trường Cao Đẳng, nó chỉ là Ban Cao Đẳng, trực thuộc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, sinh viên tốt nghiệp 2 năm, chỉ số 320 và tốt nghiệp 4 năm, chỉ số 480. Mãi đến năm 1972, Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật mới có cơ sở riêng ở Thủ Đức với tên Trung Tâm Giáo Dục Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ. Năm 1974, được cải danh Trường Đại Học Giáo Dục Thủ Đức.
Năm
đầu tiên, tôi học Toán với giáo sư Vũ Mộng Hà, Anh Văn giáo sư Phạm Văn
Rao, vốn là giáo sư Cao Thắng, Công tác Xưởng học Kỹ Nghệ Gỗ với giáo
sư Trần Minh Hoàng, Cơ Học kỷ sư Tôn Thất Tiêu, Kỹ Nghệ Họa 20 giờ/tuần
học với kỷ sư Trần Thế Can, hồi ở Cao Thắng, tôi đã học với ông về Kỹ
Nghệ Họa 5 giờ/tuần và Đại số.
Tôi
không nhớ rõ lắm, nhưng mỗi tuần chúng tôi học chừng 40 giờ và mỗi sinh
viên đường nhiên có học bổng hàng tháng một ngàn đồng.
Những
ngày đầu, kể cả tôi, gồm có 9, 10 người theo học, trong đó có một số
lại đỗ vào Kỹ sư Công nghệ, ai cũng muốn học kỷ sư, nhưng theo học kỷ
sư mất 4 năm, còn Ban Kỹ Nghệ Họa chúng tôi năm đó chỉ lấy 10 người,
học 2 năm, mỗi tháng đều có học bổng, cho nên có người học vài ngày rồi
bỏ để theo học Kỷ sư Công nghệ, riêng chỉ có anh Nguyễn Văn Bài bỏ kỷ
sư, theo học sư phạm; theo tôi, anh vì hoàn cảnh gia đình.
Lớp
chúng tôi gồm có: Nguyễn Văn Bài, Phạm Văn Đước, Nguyễn Hữu Lộc, Lương
Văn Nhơn, Trịnh Như Tích và tôi. Riêng Trịnh Như Tích là học sinh tốt
nghiệp Tú Tài 2 phổ thông thi vào, phải nói là chúng tôi thật sự không
hiểu vì sao anh đã đậu, tính ra chúng tôi đã học 7 năm Kỹ nghệ họa, mỗi
tuần từ 4 giờ ở Đệ Nhất Cấp và 5 giờ ở Đệ Nhị Cấp, vị chi ít nhất phải
học từ A đến Z chừng 800 giờ. Vậy mà anh Trịnh Như Tích lại trúng
tuyển môn thi anh không học có hệ số 4 !
Trước
khi chúng tôi vào học, Ban Kỹ Nghệ Họa có đến 2 giáo sư của Trường Đại
Học Southern Illinois University, gọi tắc là phái đoàn SIU, sang dạy,
lúc chúng tôi mới vào học, 2 giáo sư này hết hạn, đang chuẩn bị về
nước, riêng Xưởng Kỹ Nghệ Gỗ vẫn còn một giáo sư cố vấn Mỹ.
Trong
môn chính học Kỹ Nghệ Họa, ngoài việc học vẽ, kỹ thuật học, chúng tôi
còn phải dịch các tài liệu kỹ thuật từ sách báo Mỹ ra Việt Văn, sau khi
dịch xong, in Ditto ra phát cho mỗi người một bản để người dịch trình
bày và cả lớp cùng thảo luận, một là nhằm mục đích tập cho sinh viên
dịch tài liệu, hai là tập thuyết trình cũng là hai thứ chánh yếu cần
thiết để giảng dạy sau này.
Ngày
đó đã có Ronéo, Photocopy rất giới hạn, in Ditto cũng gần giống như in
thạch hay in bột. Trên một tờ giấy để in Ditto, người ta tráng lên một
lớp hóa chất chứa phẩm màu tím, rồi dùng tờ giấy khác che lại, không
cho tiếp xúc với giấy hay vật khác. Muốn in người ta dùng cây bút đặt
biệt đầu nhọn, tròn như hòn bi, viết lên mặt trước của tờ giấy tráng
phẩm tím, nó sẽ kẻ lên tờ giấy bên kia màu tím những gì ta viết, vẽ hay
đánh máy, sau đó đem tờ giấy có in những gì ta viết vẽ hay đánh máy,
dán lên ống trụ của máy Ditto, khi máy chạy alcohol sẽ thấm vào tờ giấy
này, nó sẽ in qua ống trụ khác, các chữ số sẽ ngược đi, ống trụ này sẽ
lăn qua tờ giấy trắng, in lại những hình, chữ số sẽ thuận trở lại,
giống như mấy chục năm trước, khoảng năm 1945, muốn in truyền đơn,
người ta in thạch hay bột vậy.
Năm
thứ hai, chúng tôi học Kỹ Nghệ Họa với kỷ sư Nguyễn Năng Cường, Anh Văn
với giáo sư Nguyễn Hoàng Trinh, Máy Dụng Cụ với giáo sư Nguyễn Văn
Giáp, Toán với kỷ sư Trần Lưu Cung, Cơ Học cũng với giáo sư Tôn Thất
Tiêu, Sư Phạm với Thanh Tra Văn Văn Đây.
Trong
một lần bầu cử Ban Đại Diện Sinh Viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, có
hai liên danh, tôi được anh chị em mời vào một liên danh gồm có 5
người, nay tôi đã quên gồm những ai, chỉ nhớ trong đó có chị Triệu Thị
Chơi Nữ Công Gia Chánh, chị dễ nhớ vì chồng chị anh Trần Phát Lạc ra
khóa đầu tiên Ban Kỹ Nghệ Họa Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật. Liên danh
chúng tôi thất cử, liên danh kia đắc cử có anh Phạm Văn Tài sau làm
Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, người đã đề bạt tôi làm
Hiệu Trưởng Trường này kế nhiệm anh.
Tôi
nhớ trong thời gian này, sinh viên có những cuộc biểu tình, bày tỏ lập
trường với chánh phủ và sinh viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật đã họp
Đại Hội Đồng để Bất tín nhiệm Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn và Ban Đại Diện Sinh Viên Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật do Nguyễn Minh Sử làm Trưởng Ban Đại Diện.
Tôi
muốn nói thêm một chút về anh Nguyễn Minh Sử, sau khi tốt nghiệp 2 năm,
anh không đi nhận nhiệm sở, ở lại tiếp tục học 4 năm để ra giáo sư đệ
nhị cấp. Sau này đi làm anh là Công Cán Ủy Viên của Tổng Trưởng Giáo
Dục Ngô Khắc Tỉnh, anh được đi học trường Đại Học Quốc Phòng số 2 đại
lộ Thống Nhất, Trường dành cho Sĩ Quan cao cấp và Hành chánh từ Giám
Đốc trở lên.
Có
lần Bộ Giáo Dục họp, Tổng Trưởng bận công vụ không thể chủ tọa, Nguyễn
Minh Sử thay thế Tổng Trưởng Giáo Dục chủ tọa, tham dự có các Thứ
Trưởng, các Giám Đốc, trong đó có Thứ Trưởng Trần Lưu Cung vốn là Thầy
và là Giám Đốc Trường đào tạo nghề giáo của anh vài năm trước đó.
Sau 1975, khoảng năm 1980, Nguyễn Minh Sử làm Trưởng phòng Giáo Vụ của Trường Lê Thị Hồng Gấm, tại Sàigòn.
Anh
có xuất bản một quyển sách nhỏ, hướng dẫn phương pháp làm Luận án tốt
nghiệp của Sinh viên. Anh quả thật có tài “Gặp thời thế, thế thời phải
thế!”
Trong
các nữ sinh viên Sư Phạm thời đó, hình như có người đẹp Hoàng Lan sau
kết duyên với Trưởng Ty điện lực Tây Ninh ? Cô Huyền tên xứng danh với
nước da của cô, cũng nổi tiếng vì có duyên hơn là đẹp.
Cầm
bằng như học hết chương trình rồi sẽ ra Trường đi dạy, nên tôi học cầm
chừng, có lúc tôi bỏ học cả tuần để đi Huế chơi. Còn hang ngày sau khi
hết giờ học, tôi chạy tới chùa Xá Lợi để theo học tại Phân Khoa Văn Học
và Khoa Học Nhân Văn của Đại Học Vạn Hạnh mới mở, nên khi ra Trường,
tôi đứng hạng ba trong số bốn người tốt nghiệp năm đó gồm có: Nguyễn
Văn Bài (VN), Lương Văn Nhơn (Ohio), tôi (Kentucky) và Trịnh Như Tích
(California).
Mỗi sinh viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm ra Trường đều có làm một Luận án tốt nghiệp. Luận án của tôi trình bày về Bánh xe răng khoảng 30 trang đánh máy.
Hai
năm học Sư Phạm Kỹ Thuật, trôi qua lặng lẽ trong đời, nơi đây tôi học
tập được nhiều điều hay để đem ra thực hành giảng dạy sau này, tôi cũng
rút ra được những kinh nghiệm để dịch và viết sách kỹ thuật bán cho
nhà sách Khai Trí. Một nhà sách đứng thứ nhất trong những nhà xuất bản
danh tiếng thời bấy giờ tại Thủ đô Sàigòn.
21-2-2009