Biết tôi
thích giang hồ, Thịnh mời tôi theo chàng một chuyến đi Đà Lạt. Tôi không hỏi Thịnh
đi có việc chi, chỉ hỏi đi xe đò hay đi xe nhà.
Thịnh thích
đi xe đò nằm, lên xe vào khoảng 9, 10 giờ đêm, ngủ trên xe một giấc tới Đà lạt
vào sáng tinh mơ, trời còn đầy sương mù, người ta tập thể dục đi quanh bờ hồ, cũng
có những người buôn gánh, bán bưng hối hả ra chợ để bày hàng.
Nếu đi xe
nhà, Thịnh ngủ một giấc cho tới gần 4 giờ sáng, rồi khởi hành theo đường cao tốc
thành phố ra Dầu Dây, xe chạy trong đêm, ra tới Định Quán trời tờ mờ sáng. Đến
Lâm Đồng trời đã sáng, Thịnh thích ghé một quán ăn bên tay phải, cách chùa Phước
Huệ ba, bốn căn phố, bên tay trái là cái hồ nước, ven bờ hồ dọc theo lộ người
ta trồng những cây trổ hoa màu đỏ thẩm, tương phản với lá xanh rất đẹp.
Quán ăn nầy
bán món ăn không đặc sắc lắm, nhưng sáng sớm quán cho khách uống những bình trà
tươi, có thêm những lát gừng, tao ra hương vị đặc biệt, được thưởng thức một lần,
khó quên hương vị đó.
Lần nầy
Thịnh không đi xe đò, chàng tự lái xe, y như hẹn đến nhà rước tôi gần đúng 4 giờ
sáng. Cả hai chúng tôi đều tỉnh táo, Thịnh lái xe, tôi ngồi bên thỉnh thoảng
trao đổi chuyện trò để không cảm thấy chán khi đi trên đường dài.
Khi xe chạy
đến Phương Lâm, trời cũng đã sáng, bên đường hàng quán đã buôn bán, tôi bỗng nhớ
tới Trường một người bạn tù thời cải tạo, thỉnh thoảng anh ta hay lắc cái đầu
cho nên bạn bè gọi anh ta với biệt danh Trường Lắc. Sau khi được ra khỏi trại tù,
anh ta theo xe đò của gia đình, chạy đường Sàigòn – Phương Lâm, cái thời xe chạy
than ấy, bạn hàng buôn chuyến, chở hàng hóa nào là than, đậu, bắp, cà phê, tuy
có cực thân, nhưng Trường Lắc đà hốt bạc và kiếm chác, lợi dụng đôi khi cũng giúp
đỡ những bạn hàng buôn chuyến.
Đến Bảo Lộc,
Thịnh và tôi tìm không thấy cái quán kia, hỏi thăm người lân cận đó, họ cho biết
quán đã dẹp rồi, chúng tôi đành phải đi ăn sáng ở quán khác, rồi mới tiếp tục lái
xe lên đường tới Đà Lạt.
Chúng tôi
trọ ở khách sạn gần khu chợ Hòa Bình. Buổi chiều Thịnh đi thăm người quen, tôi
thả bộ ra chợ, tìm quán uống cà-phê rồi đi quanh bờ hồ để nhớ lại những năm tháng
xa xưa, có một lần khi còn trẻ, thời sinh viên tôi đã lên thành phố nầy tham
quan vài ngày, trong đó có ngày cuối tuần, nam thanh nữ tú của xứ sở nầy đã đi
dạo chơi, nhiều chàng trai trong quân phục thẳng nếp màu vàng, từ những quân
trường thanh lịch dạo phố, không hẹn mà tôi được gặp Duyên, nàng từ Sàigòn lên
thăm người anh đang thụ huấn ở quân trường.
Tránh nơi
đông người, rời cà-phê Tùng, chúng tôi đi dạo quanh hồ. Chia tay lần đó, chúng
tôi không còn gặp lại, hỏi thăm bạn bè, có người cho biết gia đình đã cho nàng đi
du học, chưa được bao lâu, chẳng may nàng bị tai nạn, mất tại xứ người. Cho nên
lần nầy tôi muốn đi lại con đường xưa để tìm về kỷ niệm đẹp một thời.
Tôi đi được
một đoạn đường, Thịnh gọi điện thoại muốn đưa tôi đi thăm một vườn ươm cây, nhân
dịp Thịnh đi mua một số cây trồng.
Thịnh đón
tôi ở dọc đường, rồi chúng tôi chạy qua phía bên kia hồ, để theo con đường
Mimosa quanh co hướng về chân đèo Prenn.
Đường
Mimosa là con đường xưa kia bác sĩ Alexandre Yersin đã theo đó để lên thành phố
Đà Lạt, từ thác Prenn con đường nầy chạy dưới thung lũng dẫn lên thành phố, cảnh
trí không đẹp bằng con đường qua đèo Prenn, nên trước đây người ta ít đi con đường
nầy, gần đây nhà cầm quyền sửa sang lại, nên cũng có xe cô qua lại. Những năm gần
đây nhà cầm quyền khuyến khích, người dân trồng những cây hoa Mimosa dọc theo
con đường nầy, vào khoảng tháng 11 hoa Mimosa nở rộ vàng cả một đoạn đường dài,
nên con đường nầy được gọi tên là đường Mimosa, tuy nhiên vì ít nhà dân cư, nên
đường cũng vắng vẻ.
Thịnh lái
một đoạn xa thành phố non 10 cây số, rồi quẹo tay phải để vào một vườn ươm cây,
là chỗ hai bên quen biết nên Thịnh được chủ nhân đón tiếp niềm nở, tôi cùng được
ân cần đón chào.
Chủ nhân
mời chúng tôi dùng trà, rồi gia chủ và Thịnh trao đổi nhau về mùa màng, thời tiết,
về một số cây giống mới, những giò lan rừng, cả hai say sưa trao đổi nhau quanh
câu chuyện nghề nghiệp.
Chuyện cũng
khá lâu, thấy trời sắp tối nên Thịnh và gia chủ gom những chậu, những cây giống
chất lên xe để chúng tôi trở vào thành phố dùng cơm chiều và nghỉ ngơi.
Sau khi từ
giả gia chủ, chúng tôi lên xe từ từ lăn bánh ra đường Mimosa, đoạn ấy chỉ vài
trăm thước, xe chưa ra tới đường thì trời đỗ cơn mưa, buổi tối ập đến nhanh chóng,
Thịnh phải mở đèn, mở gạt nước để thấy đường chạy, xe vừa lấy trớn để lên dốc
thì chết máy, Thịnh tắt đèn, tắt gạt nước, cố khởi động máy mấy lần, nhưng máy
vẫn chẳng nổ, Thịnh không dằn được cơn bực tức:
- Sao mà
trở chứng thế nầy!! Nhè lúc trời lại mưa !!
866428012015
Làm khách không mời
Ngẫm nghĩ
một lúc Thịnh nói với tôi:
- Ngồi
trên xe chẳng có ích lợi gì, cũng không hy vọng đón được xe về thành phố, hay là
chúng ta lội bộ vào nhà ông Quang, xem ông có quen ai, gọi dùm người đến sửa
xe.
- Ý kiến
anh hay đó ! Nếu mưa dai dẳng, chúng ta không thể rời đây được thì kiếm bữa cơm
cho đỡ dạ.
Thịnh vói
tay ra phía sau lấy cái áo đi mưa đưa cho tôi và nói:
- Khoa mặc
tạm cái áo mưa nầy! Nếu không thì ướt hết quần áo lạnh lắm.
- Còn Thịnh
?
- Tôi có
chiếc jacket giả da nầy, vừa ấm vừa chống nước. Thôi ta đi !
Nói xong,
Thịnh bước xuống xe, đóng cửa lại rồi lầm lủi đi vì trời mưa nên không chờ đợi
tôi. Tôi đóng cửa xe, khoát chiếc áo mưa rồi đi theo, thấy bóng Thịnh lờ mờ qua
màn mưa cách tôi chừng 20 thước.
Đi một chốc
trời mưa nặng hột hơn, tôi không nhìn thấy bóng Thịnh trong màn mưa khi có tia
chớp, tôi cũng cứ đi. Đi thêm một đọan nữa, tôi thấy có ánh đèn từ trong nhà dọi
ra, tôi nghĩ đã đến nhà ông Quang vì lúc ra về, cũng từ hướng đó xe chúng tôi
chạy ra.
Đến chiếc
cổng gỗ, tôi thấy cổng khép hờ, nghĩ là Thịnh đã vào, chừa lối cho tôi đi, bước
qua cánh cổng, tôi khép lại rồi mới đi vào nhà ông Quang.
Bước lên
thềm trước cảnh tranh tối tranh sáng, tôi mới nhận rõ đây không phải là nhà ông
Quang, đây cũng là ngôi nhà ba căn gọn nhỏ, gian giữa để một bộ salon gỗ thông,
gian bên phải có bộ ván, gian bên trái có treo chiếc võng bằng vải dù, qua khỏi
đó, có tấm vách ngăn từ dưới nên lên chừng non ba thước, có một cửa thông nơi
gian có mắc võng, cửa thông ấy có treo tấm màn vải màu xanh da trời nhạt, ngọn đèn
chừng 60 watts treo quá đầu, bên trên bộ salon, ánh sáng soi đủ phần phía trước
trong nhà, phía sau vì màn và vách ngăn, nên tôi không trông thấy được.
Chủ nhân
nằm trên võng, đầu ở phía vách có cửa sổ đã đóng kín, mặt quay ra cửa chính, nên
đã trông thấy tôi đi vào, nên vói tay nắm chiếc vòng để lấy đà đứng lên. Tôi
thoáng thấy đó là người đàn ông, tuổi ngoài sáu mươi, tóc bạc nhiều, người cao
ráo và mảnh khảnh, ông ta nhanh nhẩu chào hỏi tôi:
- Chào chú
em! Bên ngoài trời đang mưa, chú em vào đây chắc lỡ đường phải không?
Tôi chào đáp
lại và giải thích nhanh:
- Chào chú,
cháu và người bạn từ nhà ông Quang ra, chẳng may xe bị chết máy, nên quay trở lại,
vì trời mưa và tối nên vào nhầm nhà.
- Quý
hóa! Nhờ chú em nhầm nhà, nên tôi hân hạnh có khách. Chẳng khách sáo chi, mấy
khi mới có khách tới nhà. Tôi tên Thiện, hàng xóm với ông Quang ấy mà.
Ông Thiện
đi đến ghế salon phía bộ ván, gần chỗ tôi đứng ở ngạch cửa, kéo chiếc ghế ra ân
cần vừa nói vừa chỉ cho tôi thấy:
- Chú cỡi
áo mưa ra máng tạm cây đinh nơi cột, ngồi đây uống chén trà cho ấm.
Tôi vừa
giới thiệu mình vừa cỡi áo mưa ra máng vào cây đinh ở cây cột nhà dựa cửa:
- Cháu là
Khoa, đi cùng với anh Thịnh là khách hàng của ông Quang.
Vừa nói, ông
Thiện vừa rót nước từ trong bình trà. có vỏ giữ ấm ra hai cái tách sứ tráng men
trắng điểm hoa màu tím.
- Tưởng là
ai, anh Thịnh tôi biết, vui tánh dễ thương.
Ông Thiện
nhắc lại:
- Ngồi xuống
đi, đừng khách sáo, uống miếng nước cho ấm, rồi chúng ta nói chuyện trước lạ
sau quen mà.
866429012016
Uống rượu đêm mưa
Tôi vừa cầm
tách nước lên vừa nói:
- Xin mời
chú!
Ông Thiện
đi lại chiếc ghế phía có cửa buồng, vừa ngồi xuống ghế vừa nói:
- Cứ tự
nhiên. Xin cho hỏi đã dùng cơm chiều chưa ?
Tôi vừa uống
ngụm chè tươi, nước chè vừa nóng lại có hương vị của gừng, giống như chè tươi tôi
đã được dùng ở Bảo Lộc dạo nào, tôi chậm rải đáp:
- Dạ ! Thịnh
và cháu định ra chợ dùng cơm, xe hư lại mưa như thế nầy, chắc tối nay phải ăn
trễ rồi !
Ông Thiện
nhìn ra cửa, suy nghĩ gật đầu vài cái rồi nói:
- Xin lỗi
tôi dùng cơm chiều từ sớm, nhà không có thức ăn. Cháu đến võng nằm nghỉ, trong
khi chờ đợi, tôi vào trong nhóm lửa, nướng miếng khô Nai, nhà còn chai rượu, có
mồi chúng ta uống lai rai vài chung cho ấm bụng.
- Phiền
chú quá
- Có chi
mà phiền! Vậy đi nghe. Bước lại võng nằm đi !
Ông Thiện
vừa đi vừa ngâm thơ cổ:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Tôi bước
lại võng nằm, nghe tiếng mưa rơi từng cơn lòng cảm thấy buồn. Tôi nghĩ, giờ nầy
không biết Thịnh đang làm chi, có thể Thịnh nghĩ tôi sợ đi mưa ướt nên ngồi lại
xe.
Chừng 10
phút sau, ông Thiện bưng ra cái dĩa với hai đôi đủa, mùi khô Nai thơm lừng, gợi
cảm cho bao tử tôi thấy đói và thèm ăn. Ông Thiện để dĩa khô trên bàn rồi vào
trong đem ra, một tay cầm hai cái ly thủy tinh “xây chừng”, tay kia cầm chai rượu,
đặt hết xuống bàn xong, ông nói:
- Xin mời
!
Ông vừa
ngồi xuống ghế, tôi cũng rời khỏi võng, bước đến ngồi vào chiếc salon khi nảy, ông
Thiện rót ra ly trước mặt tôi trước. Tôi có dịp quan sát, rượu rót ra màu trắng,
tôi đoán chắc là rượu đế, tửu lượng tôi không cao, nhưng có thể uống chừng 3, 4
cái xây chừng, đủ để cả hai uống hết chai rượu đã lưng còn chừng nửa chai.
Khô Nai màu
đỏ, do người ta ướp gia vị và phẩm màu với những hạt mè vàng, Khoa gắp từng miếng
nhai để thưởng thức hương vị khô Nai, tựa lưng vào ghế cho thoải mái, thỉnh thoảng
lại cùng ông Thiện nâng ly.
Khoa chập
chờn nghe như có tiếng ông Thiện mời gọi nâng ly, lại nghe như có tiếng Thịnh từ
đâu đó vọng lại.
866430012016
Trở về
Tôi giật
mình chợt tỉnh vì bị ánh dèn pin rọi vào mặt, lại bị lắc vai. Khi tỉnh táo lại tôi
mới biết mình ngồi tựa vào gốc cây, gần bên trái là đống tro tàn, bên tay phải
có cái chai không nằm trong tay tôi. Tôi buông tay ra, cái chai ngã ra nền đất,
nhìn lên thấy ông Quang và Thịnh đứng cạnh đó, bên trên đầu họ là mái che với vài
tấm tôn, xung quang trống trải. Thịnh hỏi:
- Sao không
vào nhà ông Quang, mà lại ngồi đây ngủ ? Không lạnh sao Khoa ?
Tôi không
biết phải giải thích sao cho hai người tin, ậm ừ đáp:
- Cũng không
lạnh lắm, nhờ có đống tro tàn, tôi muốn ngồi để nghe tiếng của rừng thông, rồi
ngủ quên đi.
- Có thấy
cô thôn nữ nào không ở cái mái che nầy?
Tôi chưa
kịp trả lời thì ông Quang hối:
- Thôi chúng
ta về nhà, còn ăn cơm kẻo nguội.
Tôi đứng
lên đi theo ông Quang, Thịnh cầm đèn pin đi sau, theo con đường mòn đi về nhà ông
Quang.
Vừa vào
nhà thì có người trùm áo mưa, cũng đi theo vào nhà. Tại cửa có ánh sáng, anh ta
đưa xâu chìa khóa cho Thịnh và nói:
- Xe anh
không có hư chi hết, tại cọc bình long ra, không tiếp điện tốt, tôi đã siết chặt
rồi, giờ thì bảo đảm.
Thịnh hỏi
ngay:
- Anh tính
bao nhiêu ?
- Dạ không
có bao nhiêu ! Bác Quang đã cho trước rồi.
Thịnh móc
túi đưa cho anh chàng một ít tiền lẻ nói:
- Trời mưa
lạnh, anh cầm cái nầy uống cà-phê cho ấm. Cám ơn anh nhiều lắm nghe!
- Cám ơn
anh.
Khi Thịnh
và anh thợ sửa xe trao đổi với nhau, ông Quang vừa cởi chiếc áo khoác vừa nói với
tôi:
- Anh lạnh
lắm không ? Nếu không thì cởi áo ra cho thoải mái, chúng ta dùng cơm.
Nói xong ông
kéo ghế ra ngồi, tôi cởi áo móc vào cái giá móc áo treo ở cây cột gần đó. Người
thợ sửa xe chào mọi người đi ra, Thịnh quay vào, cởi áo khoác, móc lên cái móc áo,
rồi đến bàn ngồi cạnh tôi, đối diện với ông Quang, Thịnh hỏi ngay:
- Sao lại
có cái chòi chỗ đó chú Quang !?
Ông Quang
cầm đủa lên, hối thúc:
- Cầm đủa
đi anh Khoa, chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện, bên ngoài trời sắp dứt cơn mưa,
hai anh không ăn thì tôi làm sao ăn hết, nhà tôi phiền lắm đó nghe!
- Chú đừng
lo, chúng tôi sẽ ăn hết thức ăn trên mâm nầy, ăn khỏi trả tiền mà, chỉ sợ thím
phải nhịn miệng đài khách.
- Đừng
lo! Đừng lo! Nhà tôi sẵn sàng và vui lòng, nhưng không bị đói đâu mà sợ, vì đã
có nấu thêm cơm rồi.
Thịnh nhắc
ông Quang:
- Còn
chuyện cái chòi ?
Ông Quang
như vả lả hay để gây cho chúng tôi thêm mong đợi:
- Chờ chút
! Tôi thấy thiếu chất ấm, cây nhà lá vườn đặc sản Đà Lạt, thiếu cái nầy là thiếu
tất cả đó nghe.
Thấy ông
Quang lấy từ trong tủ thờ ra chai rượu vang đỏ, Thịnh nói ngay:
- Đúng là
đặc sản Đà Lạt.
Chúng tôi
vừa ăn, ông Quang vừa kể chuyện:
- Còn
chuyện cái chòi có chi đáng nói, như Thịnh vào đây chắc thỉnh thoảng có thấy một
ông già người dân tộc tên là Y Niêng, ông ta ở Buônmêthuột lang bạt giang hồ, rồi
trụ lại đây, giúp tôi làm vườn đã mấy năm, ông ta thích ở ngoài hơn là ở trong
nhà, nên tôi che cái chòi cho ông ta ở tạm, cách nay bốn năm tháng, ông ta cho
tôi biết, ông ta nhớ núi rừng muốn trở về bản làng. Rồi ông ta từ giả chúng tôi,
từ đó không thấy trở lại, cái chòi tôi vẫn để đó chưa dẹp bỏ, để có khi buổi trưa
ngồi nghỉ hút điếu thuốc, hoặc trời mưa vào đó ngồi trú mưa.
Tôi vội hỏi
ngay thắc mắc của mình:
- Vậy trước
và sau Y-Niêng không có ai ở đó ?
Ông Quang
cầm ly rượu lên, mời mọi người uống:
- Nào chúng
ta nâng ly !
Ông uống
một hớp, Thịnh và tôi cũng cầm ly lên uống theo, với tôi rượu chát nầy không đến
nổi tệ, cũng có vị ngọt, không nồng lắm. Ông Quang tiếp:
- Trước
Y-Niêng chưa có cái chòi, sau Y-Niêng như đã nói, chỉ thỉnh thoảng có tôi mà thôi.
Ông Quang
nhìn tôi đầy thắc mắc, tiếp:
- Chú
Khoa đừng nói với tôi là có cô thôn nữ nào ở đó nghe! Chòi rỗng toát mà, có âm
u gì đâu !
- Sao
Khoa lại hỏi vậy ?
- Thịnh
không thấy lúc tôi chợt tỉnh, tay còn cầm chai rượu sao ?
Thịnh trả
lời ngay:
- Tôi lo
nhìn mặt Khoa đang ngủ, mà không để ý tay chân.
Ông Quang
nói:
- Tôi có
thấy cái chai nằm cạnh chú Khoa mà không để ý, vì khi Y-Niêng ở đó, ông ta chắc
thèm rượu cần, nên mua rượu đế đựng trong chai, thỉnh thoảng uống một tí trước
mặt tôi và cũng có mời tôi, nhưng tôi chưa bao giờ uống, chẳng biết ngon hay dở,
nhưng chắc là không ngon.
Tôi buột
miệng nói, không suy nghĩ:
- Rượu đế
! Còn ông Thiện và khô Nai.
Thịnh như
nghe không rõ, hỏi lại tôi:
- Khoa muốn
ngự thiện khô Nai uống rượu chát phải không ?
Tôi không
muốn cải chính, nghĩ là nên im lặng cho qua chuyện. Qua một đêm uống hai lần rượu.
Người thì không, nhưng rượu chắc là thật.
866431012016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét